Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính hiện nay tại Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng
Cải cách hành chính là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhằm sửa đổi toàn diện hệ thống hành chính nhà nước, giúp cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ Nhân dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tốt hơn trong tình hình mới.
Nội dung cải cách hành chính:
- Cải cách thể chế hành chính nhà nước.
- Cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Cải cách tài chính công.
Kết quả thực hiện cải cách hành chính:
- Một là, thể chế, chính sách luôn được quan tâm hoàn thiện, chất lượng ngày càng nâng cao.
- Hai là, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã mang lại hiệu quả cao.
- Ba là, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước không ngừng được nâng cao.
- Bốn là, chuyển đổi số trong nền hành chính nhà nước đạt nhiều kết quả tích cực.
Các hạn chế trong cải cách hành chính:
Qua thời gian triển khai thực hiện, công tác cải cách hành chính dù đạt được nhiều kết quả nhất định, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, chưa được như kỳ vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đó là:
- Tỉ lệ số hóa hồ sơ còn chưa cao. Việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến vẫn còn đạt tỉ lệ thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
- Việc thanh toán trực tuyến vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, cụ thể: trạng thái thanh toán giữa các Hệ thống (ví điện tử, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính....) chưa đồng bộ kịp thời. Điều này ảnh hưởng đến việc khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán trực tuyến.
- Hiệu quả vận hành của Cổng Dịch vụ công quốc gia còn chậm, phát sinh nhiều lỗi khi đăng nhập nên thường gây mất thời gian, tạo tâm lý ngại thực hiện thanh toán trực tuyến.
- Mặc dù, công tác tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến được tuyên truyền thường xuyên nhưng số lượng hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công còn hạn chế. Một phần do việc thực hiện các bước tạo tài khoản và nộp hồ sơ còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, phần lớn cá nhân, tổ chức vẫn còn tâm lý cho rằng việc thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp là thiết thực và nhanh chóng nhất; đặc biệt đối với bộ phận người dân còn hạn chế trong việc sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị máy tính, internet....
Nguyên nhân hạn chế trong cải cách hành chính do các yếu tố sau:
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện về cải cách thủ tục hành chính chưa được quan tâm đúng mức, thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính.
- Khả năng đáp ứng về con người, cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin chưa đảm bảo. Nhiều quy trình về xử lý hồ sơ trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử chưa đáp ứng được chức năng ký số và phê duyệt của lãnh đạo.
- Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và các bộ phận chưa chặt chẽ. Một số công chức còn thiếu kinh nghiệm về chuyên môn; việc hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm giữa các phòng chuyên môn với cơ sở còn hạn chế.
- Người dân còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, chưa thật sự ủng hộ, quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính; chưa yên tâm, tin tưởng khi lựa chọn nộp hồ sơ trực tuyến hoặc qua dịch vụ Bưu chính công ích; còn tâm lý lo sợ bị mất, thất lạc hồ sơ khi giấy tờ, tài liệu phải nộp là bản gốc.
Giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính:
- Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng công tác cải cách hành chính đến toàn thể đảng viên, công chức, viên chức và người lao động và Nhân dân trên địa bàn để từ đó mỗi cá nhân nắm rõ và nhận thức sâu sắc tầm quan trọng công tác cải cách hành chính. Công tác thông tin, tuyên truyền phải bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng đảm bảo thực chất, hiệu quả.
- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC. Chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị; bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC đã đề ra trong kế hoạch hàng năm; thường xuyên theo dõi, đánh giá, quán triệt việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC để kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai và phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị.
- Tiếp tục triển khai thực hiện thường xuyên việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết nhiệm vụ chuyên môn. Thực hiện có hiệu quả chương trình CCHC gắn liền với việc xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 trong lĩnh vực được giao quản lý. Thường xuyên rà soát, cập nhật, niêm yết công khai TTHC theo quy định; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hạn chế đến mức thấp nhất hồ sơ trễ hạn, phải xin lỗi.
- Xây dựng lộ trình, kế hoạch nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đảm bảo an toàn thông tin gắn với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong việc xây dựng dữ liệu, phần mềm chuyên ngành để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực được giao quản lý; thực hiện tốt công tác quản trị, đăng tin bài, cập nhật, duy trì Cổng Thông tin điện tử nhằm phát huy tối đa hiệu quả.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả hướng dẫn về vị trí việc làm và định mức biên chế công chức theo các quy định của cấp trên, phát huy tối đa nguồn biên chế được giao. Tiếp tục triển khai việc rà soát, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
- Đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp vào công tác cải cách hành chính./.